Tôi chọn Đà Lạt là điểm đến trong chuyến đi lần này vì tò mò xem “Đà Lạt hiền” của Khánh Ly như thế nào, có giống với Đà Lạt “rét Nàng Bân quanh năm” của Trịnh Công Sơn hay không. Chuyến đi lần này, tôi đi cùng đứa bạn thân mà có một dạo nó là soulmate của tôi.

Chuyện ở Sài Gòn

Bài học về “mở lòng và dũng cảm”

Chúng tôi bay vào tới Sài Gòn khoảng tầm 7h tối. Sài Gòn mưa tầm tã, đông đúc, mọi người xếp hàng dài chờ đón taxi bên trong sân bay. Ngoài đường là những dãy ô tô chen chúc nhau. Sau khi bắt được một chiếc taxi, tôi ghé vô quán trà sữa theo lời chỉ dẫn của một người bạn, được anh mua cháo lòng đúng kiểu người Hoa cho ăn tối. Cháo lòng ở đây không giống ngoài Bắc, không sẫm màu tiết. Vị hơi đậm để có thể bỏ thêm giá và quẩy ăn cùng. Cơ mà cũng ngon. Ăn xong lại được uống một ly trà sữa to đùng, loại đặc biệt. Quán trà sữa này nằm ở số 1A Trương Quốc Dung, tên là Hi-tea. Vị trà rõ nét, hơi đắng nhưng ngon khó quên. Thêm nữa là trân châu, phô mai, thạch dừa đều được tự tay chủ quán làm. Thạch dừa thơm và mềm, phô mai có độ ngậy,… Trong đời đó là lần đầu tiên được uống một cốc trà sữa ngon đến thế.

Trà sữa Hi-tea Sài Gòn

Ở quán trà, tôi may mắn được nói chuyện cùng cô chủ nhà. Cô là người miền Tây, ở Đồng Tháp, đang làm nghề may. Nhìn cô ấy thích lắm, có nét gì đó tươi rói và dễ chịu. Cô hỏi tôi đã đi được nhiều nơi chưa rồi bảo: Còn trẻ thì cứ đi đi, đi cho biết chốn này chốn khác. Tới 30 tuổi lấy chồng vẫn chưa muộn, lúc đó mới đủ chín chắn để hiểu về cuộc sống. 25 còn trẻ quá. Thi thoảng cô lại nhìn tôi và khen “Dễ thương ghê”, làm tôi hơi ngại, nhưng vui.

Cô hỏi về Hà Nội. Hà Nội trong mắt người miền Nam là tất tần tật miền Bắc. Cô bảo cô chưa bao giờ ra đó cả, nhưng nghe bạn cô kể về Hà Nội cô sợ không dám đi luôn. Ấn tượng với cô, một người chưa bao giờ ra Bắc, về Hà Nội là những khu du lịch với dịch vụ chặt chém, là “người Hà Nội” lừa lọc trong những trải nghiệm của bạn bè cô. Lần thứ n tôi nghe người ta chê Hà Nội, mà tính ra Hà Nội bao gồm cả tôi còn gì. Cảm giác giống như có một người nói không tốt về người mình thương vậy. Và dù có cố gắng mô tả thế nào về Hà Nội mùa đông đẹp lãng đãng, hay những người Hà Nội tốt bụng, tôi cũng không cảm thấy thuyết phục để xóa đi cái ấn tượng xấu trong cô. Giá mà tôi có thể thay đổi được cách người miền Nam nghĩ về Hà Nội, để nó đẹp hơn trong mắt họ ấy.

Đó là cô chủ nhà. Còn người bạn của tôi, tôi chưa bao giờ kể về anh ấy cả. Nhắc lại một chút, anh Huy là chồng của chị Thủy, người chị đã đưa tôi đến với các cung đường. Hai chị em đã cùng nhau rong ruổi từ Mộc Châu, Y Tý, tới Hà Giang, miền Tây… Chị tốt với tôi lắm, anh Huy cũng vậy. Dù có nhiều lúc tôi thấy ngại và hơi e dè nhưng anh luôn nhiệt tình giúp tôi mỗi lần tôi hỏi kinh nghiệm đi du lịch.

Lần đầu tiên tôi gặp anh Huy là ở Hà Nội, tại một quán café gần Ngã Tư Sở. Câu nói đầu tiên anh nói với tôi là: Em phải mở lòng ra thì mới có nhiều bạn bè được, nhất là với những người đi du lịch bụi như thế này.

Lần này vô đây, tôi chỉ gặp anh vì chị sinh em bé, đang ở Tây Ninh cơ. Trong lúc nói chuyện, có một câu anh nói mà tôi nhớ mãi, đại ý là: Em có năng lực, có khả năng viết lách và lợi thế tiếng Anh, nhưng điều còn cản trở em đó là em nhút nhát quá. Chưa làm em đã bảo “Nhưng mà em chỉ thế này, nhưng mà em chỉ thế kia”. Anh Huy có cái chất của người miền Nam thẳng thắn, thích hay không thích điều gì cũng thể hiện ra ngay. Anh thoải mái nhưng cũng nghiêm khắc và nhìn ra được điểm yếu của bản thân tôi. Tôi cứ suy nghĩ về câu nói của anh… Ngay cả khi tôi đã về tới Hà Nội.

Tôi không ngừng nghĩ về bài học “Mở lòng và dũng cảm” tôi được nghe trong một buổi coffee talk. Vì thế lần này vô đây, với người Sài Gòn đầu tiên tôi gặp là chú lái taxi, tôi cũng thử một lần bắt chuyện với chú. Tóc chú đã bạc nên tôi nghĩ chú phải nhiều tuổi hơn bố mẹ tôi nhiều lắm. Sau khi hỏi chuyện thì biết chú cũng tầm tuổi bố mẹ tôi, đã làm nghề lái taxi được hơn hai mươi năm rồi. Vậy thôi là đủ cho những bước chập chững thực hành bài học “Mở lòng và dũng cảm”.

Những câu chuyện vừa kể, những người vừa gặp là những chi tiết đầu tiên tôi có trong chuyến đi này.

Một ấn tượng khác nữa ở Sài Gòn

Gần tới giờ bắt chuyến xe khách, tôi ra trạm dừng xe của nhà xe Thành Bưởi. Sài Gòn vẫn mưa tầm tã. Chú lái taxi bảo mọi hôm khô lắm, hai hôm nay tự nhiên mưa thế này. Trong lúc đợi xe, ngồi ngắm mưa Sài Gòn và tận hưởng cảm giác ấy như một trải nghiệm sung sướng mà tôi chưa bao giờ có. Vừa háo hức tới Đà Lạt thật mau, vừa muốn ngồi nhâm nhi đường phố ngày mưa. Đường phố vẫn đông trong ngày mưa.

Chuyện ở Sài Gòn ngày mưa

Có một ấn tượng đặc biệt với nhà xe khi tôi quan sát được một chi tiết. Đó là lúc một chiếc xe Thành Bưởi vừa dừng, anh phụ xe bước xuống để sắp xếp mọi người lên xe. Đợi mọi người ổn định, trước khi quay trở lại, anh ấy còn cúi xuống, nhặt những chiếc áo mưa không hiểu người ta vô tình hay cố ý để lại trên bãi cỏ gần đó và bỏ vô thùng rác gần nhất. Chỉ một hành động nhỏ thôi mà nhớ mãi.

Tua nhanh một chút tới đoạn khi tôi đã nằm an vị trên xe. Tới quãng dừng nghỉ, hay khi xe dừng trả khách, nhà xe đều lưu ý: “Quý khách không cần mang dép xuống xe, nhà xe đã chuẩn bị dép cho quý khách.”  “Quý khách chú ý bỏ lại túi nilon vào giỏ, xin vui lòng không vứt bừa bãi. Xin cảm ơn.” Dịch vụ rõ ràng níu chân khách hàng mà.