Mình lại phải viết ra những dòng nay ngay sau khi buổi học kết thúc vì những dư âm đọng lại khiến mình vui quá. Lúc đầu khi mình bảo bán sách, chồng mình hỏi mức chiết khấu và nói: “Không được xx% thì làm làm gì, đến lúc lại áp lực”. Nhưng vì mục đích bán sách của mình không phải vì tiền nên mình vẫn quyết định. À, động cơ ban đầu của việc bán sách chỉ là mình muốn viết, muốn được chia sẻ nhiều hơn.
Lan man một chút, việc bán sách giúp mình duy trì đều đặn thời gian đọc sách với Bánh Rán và Mỡ. Mình là một người mẹ tưởng hiền mà không hiền, tưởng dịu dàng mà không dịu dàng. Khi căng thẳng, mình dễ nổi cáu và quát con ầm ĩ. Chồng mình còn bảo mình là: “Hoá thú cả ngày”. Nhưng giờ đọc sách với con, mình lại thấy rất vui. Lúc đó, không chỉ là đọc cho con nghe mà chúng mình đọc cùng nhau. Điều này khiến mình tự hào lắm, nhưng còn chuyện khác ý nghĩa hơn. Đó là những khoá học mình được tham gia.
Đến bây giờ, tính ra mình bán sách cũng được nửa năm. Trong suốt nửa năm ấy, mình nào lời lãi gì, tiền hoa hồng chiết khấu chỉ coi như là trừ vào tiền sách mình mua (nghĩa là tiết kiệm một phần chi phí mua sách), nhưng mình đã được học 4 khoá học vô cùng chất lượng của những người thầy nhiệt huyết, cực kì xịn xò: Cô Diêu Lan Phương, cô Minh Ngọc, thầy Nguyễn Minh Thành, cô Ngọc Minh. Trời ơi, học xong khoá nào cũng thấy được mở mang không chỉ về chuyện viết lách, mà hơn thế là chuyện cuộc sống, chuyện đời người. Cô Diêu Lan Phương thì thúc đẩy động cơ viết lách, khai mở tinh thần viết đi đừng sợ; cô Minh Ngọc cung cấp phương pháp viết bài hiệu quả, giọng cô vô cùng truyền cảm, nghe rất thấm; thầy Nguyễn Minh Thành mang tới kiến thức về làm cha mẹ theo mô hình Triple P; cô Ngọc Minh (mình chưa học xong) chia sẻ về cách quản lý cuộc sống, cách để sống hạnh phúc và việc đọc hiệu quả. Những người thầy người cô đáng ngưỡng mộ vì khối lượng kiến thức họ dung nạp và chắt lọc truyền đạt lại qua những bài giảng vừa đủ, dễ hiểu và thú vị.
Giờ mới là phần chia sẻ chính của mình sau buổi học thứ 6 với cô Ngọc Minh về chủ đề “Sống hạnh phúc”. Mình ghi lại đây các keyword mà cô khuyên nên thực hành hàng ngày.
1. Thực hành chánh niệm
Chánh niệm là an trú trong hiện tại. Phần thực hành chánh niệm, cô Ngọc Minh gợi ý hãy dành ra 30 phút mỗi buổi sáng (hoặc tối) làm những điều mình thích. Làm thật chậm rãi, cảm nhận từng hoạt động của mình và cuộc sống diễn ra xung quanh mà không mong cầu điều gì (vô cầu). Điều này giúp bản thân được lắng dịu, tiếp thêm năng lượng và gạt bỏ những cảm giác bất như ý.
2. Thực hành buông thư
Buông thư nghĩa là thả lỏng. Bài tập thực hành thả lỏng hai vai để toàn bộ cơ thể được thả lỏng, không phải gồng mình lên cố gắng. Bài tập thực hành có thể làm trong 2-3 phút, trước khi bắt đầu công việc, trong khi làm việc thấy mệt mỏi hay trong giờ nghỉ thư giãn. 2 phút thả lỏng hoàn toàn cả cơ thể và tâm trí tương đương với một giấc ngủ trưa 20 phút.
3. Năng lượng
Trường năng lượng phụ thuộc vào trạng thái cảm xúc. Đây không phải lần đầu tiên mình được nghe chia sẻ về những điều này nhưng mình vẫn cảm thấy nhiều thứ thật kì diệu. Ví dụ như có những không gian bước vào đã cảm thấy lắng đọng, thư thái; có những người gặp lại thấy áp lực, căng thẳng khiến mình cứ phải thu lại, tự ti, không thoải mái; có những lời nói ngọt ngào mà chỉ cần nghe đã biết là thật hay giả. Tất cả đều là năng lượng. Những năng lượng này có thể cảm nhận được ngay cả khi mọi người không ở gần nhau.
Những người có cảm xúc vị tha, tần số năng lượng của họ dao động mạnh, khiến người tiếp xúc sẽ cảm thấy hứng khởi, tràn đầy niềm vui. Ngược lại, những người có cảm xúc vị kỉ, tần số năng lượng thấp, lại mang đến cảm giác mệt mỏi, nặng nề. Vì thế, cảm xúc quyết định mọi việc. Lời khuyên là thay vì cố gắng thay đổi mọi thứ xung quanh, chúng ta hãy quay về bên trong bản thân mình, cải tạo suy nghĩ và mở rộng tâm trí của chính mình.
4. Mở rộng tâm trí
Thực hành mở rộng tâm trí bằng cách di chuyển điểm nhìn. Hãy nhìn từ góc độ của người khác và đọc câu thần chú: “Nếu mình ở địa vị của người khác mình sẽ cảm thấy thế nào?” Khi thử đặt mình vào vị trí đối phương, lòng khoan dung và sự từ bi sẽ được nảy sinh.
Ngoài việc suy nghĩ, chúng ta nên viết lại Nhật ký mở rộng tâm trí của mình: “Hôm nay tôi đã tha thứ cho…”, “Hôm nay tôi đã thấu hiểu…”, “Hôm nay mình đã tha thứ cho bản thân mình vì…”
Chị chủ tiệm sách “có tâm nhất quả đất” nói, học viết chỉ là phần ngọn, mà chị muốn những người bán sách cho chị phải học được những điều cốt lõi, sâu xa nên chị đã cố gắng mời được những người thầy xịn nhất cho các khoá học. Thật vui vì mình nhận được những điều đẹp đẽ này.