Nếu bạn đang tìm một cuốn sách nuôi dạy những em bé dưới 7 tuổi thì đây là “chân ái” của bạn.

Giáo dục nhi đồng

Khi đọc lại lần thứ 2 cuốn sách Giáo dục nhi đồng của Đạm Phương Nữ Sử, mình mới đủ “ngấm” để tự tin hơn giới thiệu tới các bố mẹ, nhất là những người mẹ có con trong độ tuổi nhi đồng và những người sắp làm mẹ. 

Vì sao mình nghĩ các mẹ nên đọc cuốn sách này?

→ Giáo dục nhi đồng là kết tinh của những kiến thức và trải nghiệm của tác giả – một người mẹ Việt Nam tầng lớp trí thức. Được viết vào năm 1942, cuốn sách vẫn giữ nguyên những giá trị trong việc nuôi dạy con theo nề nếp, gia phong và còn kết hợp cả những phương pháp phương Tây được chọn lọc phù hợp với văn hoá đất nước. 

→ Vai trò của người mẹ được khẳng định rõ ràng trong cuốn sách. Dù ở thời kì nào đi chăng nữa, chúng ta – những người mẹ – vẫn là người kết nối và ảnh hưởng sâu sắc nhất tới con trong giai đoạn nhi đồng (dưới 7 tuổi). Hay như trong sách viết: “Nuôi dạy con là một trách nhiệm nặng nề và cao quý mà tạo hoá đã uỷ thác cho mẹ. Vì thế từ thủa nằm nôi, trẻ đã in sâu hình ảnh của mẹ vào tâm trí, đã cảm thụ sự yêu thương và thừa nhận sự uy quyền của mẹ đối với mình”.

→ Tuy nhiên, khi hiểu rõ vai trò “nội tướng” của mình trong gia đình, người mẹ cũng không quên cha là một cố vấn đắc lực trong việc nuôi dạy con. Nghĩa là, việc nuôi dạy con phải có sự hợp tác và thống nhất của cha mẹ. 

→ Bạn có phải là một người mẹ băn khoăn trong việc “nói con không nghe” giống như mình? Khi đọc sách, mình nhận ra mình thiếu “thái độ cương quyết”, thể hiện uy quyền của người mẹ. Nhiều khi mình dùng những lời doạ nạt để con sợ, nhưng mà dần dần cách làm đó sẽ mất tác dụng. Vì thế, mình mong các mẹ đọc sách để hiểu “Phải làm sao cho trẻ nhận thấy uy quyền ấy là tình yêu và lợi ích cho trẻ. Thực hành uy quyền ấy phải trong một không khí hiền từ và yêu thương thì trẻ mới cảm hoá và thừa nhận một cách chân thành. Chúng ta cũng nên nhớ rằng giáo dục hay tập dưỡng cũng thế, là một công trình lấy tình yêu và hiền từ làm phương châm để thực hành”.

→ Bây giờ, bạn đã quen với các khái niệm, phương pháp chăm con EASY, thì đâu đó ở cuốn sách Giáo dục nhi đồng, tác giả đã áp dụng phương pháp tập dưỡng (rèn nếp sinh hoạt cho con) tương tự như vậy. Ví dụ được đưa ra cũng rất gần gũi và quen thuộc với hình ảnh gia đình Việt ngày nay. Dù áp dụng phương pháp nào, keyword mà tác giả nhắc tới đó là “quy củ và chuyên cần”

→ Khi đọc Giáo dục nhi đồng, mình thấy điều quý giá mà rút ra được từ sách là: Tầm quan trọng của việc nắm bắt từng bước phát triển của con để dạy con tập nói, tập đi đúng thời điểm. Rồi lớn chút hơn nữa khi con bước vào giai đoạn rèn trí dục (học vấn), việc học sớm, học trước cũng là không cần thiết bởi vì: Ở tuổi từ 4 đến 7 tuổi, “thời gian này là chỉ để sắp đặt trí não của trẻ đủ năng lực để tiếp nhận một học vấn sau này”. Nói một cách hình ảnh hơn cho vấn đề này, “trái chín non bao giờ cũng là trái chua chát”. 

→ Giáo dục nhi đồng là một cuốn sách toàn diện cả về thể chất, tinh thần, đạo đức trong nuôi dạy các em bé dưới 7 tuổi, từ việc chăm sóc (tập dưỡng) và giáo dục, đức dục, trí dục đến thể dục. 

Ở thời điểm tác giả viết cuốn sách, việc nuôi dạy các em bé nhi đồng chưa được chú trọng. Còn bây giờ, mọi người đã hiểu ra tầm quan trọng của giai đoạn này. Các kiến thức trong sách đều còn nguyên giá trị đến hiện tại, trong những gia đình Việt Nam hiện tại nên đọc sách, chúng ta vẫn sẽ thấy biết bao điều phải học hỏi.