Từ nhỏ tới lớn, một từ miêu tả bản thân mà mình hay nghe nhất là “trầm”. Khi mình quyết định nghỉ việc ở công ty đầu tiên, đồng nghiệp của mình đã rất ngạc nhiên vì luôn mặc định rằng, với một người ổn định như mình, việc gắn bó cả đời ở một nơi là chuyện hiển nhiên. Thời điểm đó, mình nhớ là đã rơi vào trạng thái: Mỗi ngày đi làm là mỗi ngày không có việc gì để làm, không có thách thức, không muốn làm điều gì mới mà trong đầu chỉ có một mục tiêu: Phải thay đổi công việc với chuyên môn mình hướng tới.

“Một công việc không có thách thức” là lý do đầu tiên cũng là lý do quan trọng nhất khiến người Mỹ bất mãn về công việc – mà tác giả đã nhắc đến trong cuốn sách Flow – Dòng chảy (cuốn này: https://s.shopee.vn/1B4rLIhO5A). Như đã viết ở bài trước, mình chia cuốn sách thành 2 phần: Phần 1 – Lý thuyết (Chương 1 đến Chương 6) và Phần 2 – Ứng dụng (Chương 7 đến Chương 10). Dòng chảy trong công việc là chương 7 – mở đầu phần 2 của cuốn sách này.

Quay trở lại câu chuyện ban đầu, nếu lúc đó mình không có một mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng mà vẫn cứ loay hoay ở một nơi thì điều gì sẽ xảy ra? Một là mình sẽ chán nản đến mức vô định (đối phó thoái lui) và Hai là mình sẽ tìm ra cơ hội từ chính công việc đó (đối phó chuyển hoá).

Đối phó thoái lui (tiêu cực) và Đối phó chuyển hoá (tích cực) là 2 cách mà con người phản ứng với căng thẳng được nhắc tới trong Chương 9. Ở đó, tác giả có đưa ra 3 bước cụ thể chuyển hoá 1 tình huống vô vọng thành một hoạt động dòng chảy mới:

  • Bước 1: Sự tự tin vô thức

Nghĩa là, bạn tự tin tuyệt đối vào chính bản thân mình. Năng lượng tinh thần không dồn vào việc chi phối môi trường mà tìm cách vận hành một cách hài hoà. Tin rằng bạn là một phần của mọi thứ và cố gắng làm tròn vai của mình trong hệ thống.

  • Bước 2: Tập trung sự chú ý vào thế giới

Khi đã đạt được sự tự tin vào bản thân trong tình huống vô vọng, để vượt qua nó, bạn sẽ thay đổi sự chú ý vào những gì đang diễn ra xung quanh mình, KHÔNG tập trung vào cái tôi. Một ví dụ trực quan là người leo núi để không bị cảm thấy nản chí, họ bắt đầu tập trung vào vẻ đẹp của đám mây, quan sát và phát hiện ra hành trình của một con bọ… Từ những quan sát ấy, bạn trở thành một phần của môi trường để tìm cách thích nghi tốt hơn với một tình huống khó giải quyết.

  • Bước 3: Sự khám phá những giải pháp mới

Trong bước này, có 2 cách giúp bạn tìm ra giải pháp là:

  1. Tập trung sự chú ý vào những chướng ngại với những việc đạt được mục tiêu và loại bỏ chúng, giúp phục hồi sự hài hoà trong ý thức
  2. Tập trung toàn bộ vào tình huống bao gồm cả chính bản thân, sau đó xác định mục tiêu thay thế có phù hợp không và tìm ra giải pháp khả thi. Tóm lại:

Khám phá ra những chiến lược thay thế = Sự tự tin vô thức + Cởi mở và gắn bó với môi trường

Điều này khiến mình nhớ tới chương trình Have a sip: 3 điều cần tìm để biết mình là ai với thầy Giản Tư Trung. Hành trình trưởng thành của một con người đi theo 3 nấc thang:

  • “Your way”/dependent/ sống theo cách của người khác: Cách sống khiến bản thân cảm thấy không được là chính mình.
  • “Me first”/”My way”/independent/: Sống theo cách của bản thân, học theo cách của bản thân và làm việc theo cách của chính mình nhưng sẽ không còn ai ở bên cạnh.
  • Đỉnh cao nhất là “Our way”/Interdependent/Sống hạnh phúc là chính mình nhưng cũng mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh.

Nghĩa là kể cả trong những tình huống trớ trêu nhất, mình cũng phải linh hoạt thay đổi sự chú ý và quan trọng phải nhận ra mình là một phần của tổng thể, một phần của hệ thống không thể tách rời. Trong chương 10: Tạo ra ý nghĩa, tác giả cũng một lần nữa nhắc tới quan điểm này – mình thấy nó hoàn toàn trùng khớp với khái niệm “Oneness” của đạo Phật.

Sự thống nhất ý nghĩa trong các chủ đề của cuộc sống = Nhận thức được giới hạn của ý chí con người + Chấp nhận sự công sinh thay vì nghĩ mình nắm vai trò thống lĩnh.

Chương 10 là chương khép lại và đúc kết sâu sắc của trạng thái dòng chảy. Có những người tìm được dòng chảy trong công việc nhưng với mối quan hệ gia đình lại không, có những người ngược lại. Nhưng dòng chảy có thể được tạo ra ở bất kì hoạt động nào với sự kết hợp của 4 yếu tố:

1. Tu dưỡng mục đích

  • Bước 1: Ý nghĩa cuộc sống đơn giản: như sự sống còn, cảm giác thoải mái, khoái lạc
  • Bước 2: Mở rộng hệ thống ý nghĩa với gia đình, cộng đồng, dân tộc
  • Bước 3: Chủ nghĩa cá nhân phản tỉnh: Quay vào bên trong tìm căn cứ mới cho quyền lực và giá trị bên trong bản thân nhằm phát triển tiềm năng bản thân
  • Bước 4: Từ bỏ bản ngã, quay lại hoà nhập với người khác và với các giá trị phổ quát (đúng Oneness luôn)

2. Rèn luyện sự quyết tâm = Hành động + Sự phản tỉnh (phản tư)

3. Khôi phục sự hài hoà

Rèn giũa cuộc sống bằng mục đích và sự quyết tâm là một cảm giác hài hoà nội tại.

4. Sự thống nhất ý nghĩa các chủ đề cuộc sống (đã nói ở bên trên)

Còn một phần nữa mình rất thích trong cuốn sách là Chương 8: Dòng chảy trong gia đình. Mình sẽ tách riêng thành một bài viết chủ đề này nhé!