Bài viết hoàn toàn là quan điểm cá nhân, dưới góc độ của một nhân viên và không có bất kỳ định kiến gì với nghề quản lý cả.
Hôm nay trời mưa nên mình thấy down mood khủng khiếp. Mình nghĩ sẽ không chỉ một mình mình mà rất nhiều những người khác ngoài kia đang nhìn vào màn hình máy tính một cách vô hồn, vì trời mưa (giống mình), vì sếp đi vắng, vì ngày mai là 8/3 chẳng hạn… Nhưng dù bất kỳ lý do nào thì điều đó cũng hơi khó chấp nhận nếu sếp của bạn là một người nguyên tắc.
Thực ra vấn đề này mình đã nghĩ tới từ rất lâu rồi. Mình không có ý định theo đuổi nghề quản lý nhưng lại rất hay quan sát cách người ta “điều khiển” người khác. Mình đã từng nói rằng: Nếu mình là leader, mình sẽ không bao giờ là một người giống như anh A, chị B. Đơn giản bởi mình không thích cách người ta đang quản lý mình. Vậy thôi!
Quay trở lại câu hỏi đầu bài: Thế nào là một leader tốt? Ở đây, mình không muốn dùng từ “giỏi” bởi mặc định leader thì ai cũng giỏi, chỉ là cách họ “kết nối” với nhân viên thế nào để trở thành một leader tốt.
Câu chuyện thứ nhất (Công ty mới):
Hôm trước, mình đọc được một bài viết quan điểm của nhân viên IT về OT, mình cực kỳ ấn tượng với quan điểm: sếp không nên expect quá nhiều vào nhân viên bởi vì như vậy, họ sẽ không nhìn ra được những đóng góp của người nhân viên đó. Người ta thường nói: Hạnh phúc bằng thực tế trừ kỳ vọng, kỳ vọng các thấp thì hạnh phúc càng nhiều. Đúng phết? 😉
Ấn tượng bởi vì mình cũng là một-nhân-viên-được-kì-vọng-nhiều. Điều này có thể giải thích vì chưa được như mong đợi nên thành quả, sự nỗ lực của nhân viên sẽ bị phủ nhận. Mình chợt nhớ tới buổi họp gần đây nhất về việc phát triển owned media cho công ty mình đang làm. Sếp không hài lòng, leader kiên quyết tranh luận chỉ để bảo vệ và “đòi” sự công nhận cho team của bạn ấy. Thực sự, bạn ấy rất quyết liệt bởi bạn ấy hiểu người ta cần một sự động viên, khích lệ trước khi bị khiển trách.
Còn nhớ những lần sửa bài, lúc nào bạn ấy cũng chèn thêm một câu “cố lên” hay “tốt hơn nhiều rồi đấy Thảo ạ”. Mấy năm đi làm, mình đã chai sạn trước những lời động viên như thế, nhưng mình vẫn cảm kích vì những gì bạn ấy truyền năng lượng cho member.
Một leader tốt có phải là người luôn biết cách bảo vệ, động viên, khuyến khích và truyền năng lượng cho đúng người?
Câu chuyện thứ hai (Công ty cũ):
Đó là ngày mình sẽ không bao giờ quên, khoảng thời gian này năm ngoái khi mình nói ra mong muốn nghỉ việc tại công ty mình đã gắn bó hai năm. Buổi nói chuyện với chị leader và câu nói của chị tới giờ mình vẫn nhớ. Chị bảo: “Chị biết cái nhiệt của Phoebe không show ra ngoài mà thể hiện trong chính công việc mà Phoebe làm.” Dù sao thì câu nói đó cũng “đẩy” mình lên khá nhiều trong những lần mình “bị” nhận xét là chưa thể hiện bản thân trong công việc.
Vậy, một leader tốt là leader có phải là người nhìn ra điểm mạnh trong điểm yếu của nhân viên, hơn thế là “hiểu”?
Câu chuyện thứ ba (Chuyện ngoài lề):
Trước khi nghỉ ở chỗ cũ, mình có gửi email cảm ơn các anh chị leader, những người đã cho mình cơ hội làm việc ở đó. Mình nhận được một lời nhận xét về “cái nhiệt” trong công việc. Chị ấy bảo để đi đường dài thì cần phải có cái nhiệt ấy chứ không thể chỉ chăm chỉ được. Đại loại vậy. Mình nghĩ cũng đúng, bản thân là một nhân viên tốt mà không làm cho người khác thấy cái tốt đó thì đã là một sự thất bại. Nhưng ngược lại, chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình được nghe lời nhận xét này từ một năm trước đó nhỉ? Ai mà biết 😀
Nên là, một leader tốt có phải còn là người can thiệp kịp thời, biết cách chia sẻ trong một buổi nói chuyện ngẫu nhiên nào đó thay vì căng thẳng trong các kì đánh giá?
Tóm lại, leader không phải siêu nhân để “chiều lòng” thành viên của họ. Nên có phải để được làm việc với một leader tốt, trước hết cũng phải là một-nhân-viên-không-leader-nào-muốn-mất?