Hôm trước mình đọc được một review trên mạng về cuốn sách này. Bạn bảo rằng, vốn dĩ người sáng lập đã có tư duy khác biệt từ nhỏ và cô thành công với may mắn vì có người chồng sẵn sàng trả hết nợ cho mình. Mình hiểu ý bạn là cuốn sách thực tế không mang nhiều giá trị.

Nhưng mình thì nghĩ khác.

“Lên đỉnh núi mở tiệm bánh mì” giống như những lát cắt trong câu chuyện kinh doanh thành công của Hirata – chủ tiệm bánh Wazawaza. Nó sẽ không chỉ cho bạn làm thế nào từng bước từng bước, mẹo ở đây là gì… Thay vào đó, cuốn sách mang tới những bài học sâu sắc hơn nhiều.

Trước khi bạn đọc tiếp, mình lưu ý nhỏ nhé: Cuốn sách này rất dễ đọc, như câu chuyện thân tình nên dù không làm kinh doanh thì bạn cũng sẽ nhận được những giá trị hữu ích phù hợp với bạn.

Bài học về “Connecting the dots”

Steve Jobs từng nói sáng tạo chính là “connecting the dots”. Và tại sao mình lại rút ra được bài học này khi đọc “Lên đỉnh núi mở tiệm bánh mì”?

Đó là câu chuyện thử và làm rất nhiều công việc của cô Hirata ngay từ khi còn nhỏ đã trang bị cho cô những kĩ năng khi vận hành tiệm bánh. Không có công việc nào được coi là thừa thãi và mất thời gian ở đây cả.

Đó còn là sự kết nối giữa mong muốn của bản thân, triết lý kinh doanh của mình với xu hướng xã hội để tối ưu số lượng và chất lượng sản phẩm cũng như thông điệp truyền thông.

👉 Kết nối các kĩ năng của mình thành một bộ kĩ năng phục vụ công việc hay tìm ra cách giải quyết mới cho vấn đề của bạn.

À đây là Instagram của Tiệm bánh Wazawaza. Xinh nhỉ? Bạn có thấy cuốn sách trong khung hình ở giữa, đầu tiên kia không? Đó là cuốn Chọn Gư ri Gư ra đã được dịch và phát hành ở Việt Nam đó. Mình bảo rồi, mọi thứ đều kết nối với nhau mà. 😀

Bài học về sự hành động

Wazwaza nằm ở vùng xa xôi hẻo lánh của đất nước Nhật. Vậy nên, sự thành công của Wazawaza không chỉ đến từ chất lượng sản phẩm mà còn cả những hoạt động truyền thông mà cô Hirata đã phủ khắp.

Chẳng hạn như, tiệm bánh thường xuyên xuất hiện trên kênh online hay khi chủ tiệm ra quyết định chuyển kho… Mọi hành động đều được quyết định nhanh chóng và kịp thời.

👉 Chỉ khi hành động, bạn mới biết bạn cần làm gì tiếp theo. Vì thế, khi có ý định làm gì đó, hãy nghĩ tới việc bắt tay vào thực hiện.

Bài học về hạnh phúc

Bạn có đang cảm thấy hạnh phúc với công việc mình làm không?

Nghe mơ hồ nhỉ.

Trong sách, cô Hirata cũng nhấn mạnh triết lý hạnh phúc mà cô xây dựng đều dựa trên sự tôn trọng quan điểm riêng của mỗi người. Nếu người lớn thấy ăn kẹo thật sự có hại cho sức khoẻ thì trẻ con lại rất vui với điều đó.

Với cô Hirata, kinh doanh hạnh phúc chính là cân bằng giữa THÂN và TÂM. Khi thấy bản thân phải quá gồng gánh, cô sẽ tìm cách cân bằng lại. Còn từ góc nhìn của mình, có lẽ chúng ta phải trải qua những giai đoạn làm việc cật lực để trau dồi chuyên môn thì mới có thể nhận ra và làm chủ được công việc.

👉 Thử nghĩ xem, hạnh phúc với bạn thật sự là gì nhé! 😉