Mở đầu Inside Out 2, khi chiếc “cây bản dạng” phát sáng và không ngừng lặp lại “I’m a good person”, cũng là lúc Riley nảy sinh lòng trắc ẩn, cảm thông với bạn cùng lớp và giúp đỡ khi bạn bị cả lớp chê cười. Mình đã suy đoán về những diễn biến tiếp theo, sự tử tế là cái neo giúp Riley tiếp tục phát triển, vượt qua những thử thách trong cuộc sống của tuổi mới lớn.
Nhưng còn hơn thế…
Là hành trình phát triển cảm xúc, xây dựng cái tôi của Riley.
Inside Out 1 đọng lại trong mình là “giá trị của nỗi buồn”. “Cái gì quá cũng không tốt”. Vui quá cũng trở thành một sự tích cực độc hại. Khen ngợi không đúng cách cũng có gây ảnh hưởng tiêu cực tương đương với những lời trì chiết.
Inside Out 2 khép lại bằng hình ảnh tất cả cảm xúc ôm lấy nhau. Một hình ảnh vô cùng cảm động khiến mình không cầm nổi nước mắt. Giống như Riley phải tự ôm ấp bản thân mình, ôm ấp vỗ về tất cả niềm vui, nỗi buồn, sự tức giận, sự chán ghét, nỗi sợ, nỗi lo lắng, niềm đố kị, sự thờ ơ, niềm xấu hổ thì mới có thể “gỡ nút thắt”, tìm lại bản ngã sâu thẳm của mình. Hoá ra, không hẳn sự tử tế là cái gốc để Riley neo vào trong cuộc đấu tranh cảm xúc như mình đã suy luận. Cũng không phải nỗi lo lắng đến mức “I’m not good enough” để mà lúc nào cũng nghĩ tới nó, buộc mình phải nỗ lực vượt qua; mà chính là việc chấp nhận mọi kí ức, mọi cảm xúc cả tiêu cực và tích cực trong cuộc sống của mình. Câu chuyện đấu tranh nội tâm của cô bé Riley 15 tuổi khiến mình có nhiều đoạn cũng run lên, mím chặt môi, tay nắm chặt hồi hộp như chính mình đang trải qua vậy.
Có một phân đoạn khác mình nghĩ sẽ chạm tới những người lớn xem phim. Joy – vốn là niềm vui, điều tích cực, người dẫn đường – gục ngã và bật khóc khi chấp nhận thua Anxiety (cảm xúc lo lắng mới xuất hiện trong phần 2, cùng với Envy (Đố kị), Embarrassment (Xấu hổ), Ennui (Thờ ơ), Nostalgia (Hoài niệm)). Joy nói: Có lẽ đúng là khi lớn lên, chúng ta sẽ không còn nhiều niềm vui như trước nữa và thay vào đó là nỗi lo lắng về cuộc sống, tương lai (mình diễn lại theo trí nhớ của mình nên không đưa vào ngoặc kép). Thật lòng vô cùng cảm động! Sự bất lực của ngay cả một tính cách tích cực nhất.
Nhưng rồi cũng đúng như Joy nói với Anxiety: “You don’t get to choose who Riley is. Anxiety, you need to, let her go”.
Từ đầu tới cuối, cả Joy và Anxiety đều muốn điều khiển để đưa Riley trở thành một người như Joy và Anxiety muốn. Joy chọn đưa mọi kí ức xấu về miền quên lãng, Anxiety lại chọn xây dựng một Riley đầy quyết tâm, hiếu thắng và phải đạt được mục tiêu bằng mọi cách. Cả hai đều sai vì quyết định trở thành ai không phải do cảm xúc điều khiển mà là chính Riley lựa chọn. Tốt hay xấu đều có giá trị và tất cả gom lại mới tạo nên một Riley được là chính mình, nhiều màu sắc. Tới đoạn này thì tự khắc Joy được dẫn dắt tới bảng điều khiển của trung tâm đầu não chứ không phải Joy hay Anxiety hay bất kì cảm xúc nào chủ động tác động tới cách hành xử của Riley.
Inside Out 2 là tầng tầng lớp lớp ý nghĩa ngầm hiểu mà mỗi người xem lại có một góc nhìn khác nhau. Tụi nhỏ xem chắc sẽ cảm nhận được sự hài hước, câu chuyện hồi hộp với cao trào; tuổi 15 giống Riley sẽ thấy đồng cảm với những suy nghĩ biến đổi liên tục hay cả sự bàng quang, thờ ơ khi kể với ba mẹ về trại hè; các chuyên gia tâm lý sẽ dựa vào đó khai thác các bài học về quản trị cảm xúc; Parent coach tiếp cận và có những câu chuyện cho ba mẹ có con trong độ tuổi dậy thì; còn một bà mẹ hai con, nhiều suy tư, thích Inside Out 1 thì xem phim như được ôm ấp lấy chính bản thân mình.