Mình vừa đọc xong cuốn hồi kí “Gánh gánh gồng gồng” của bà Xuân Phượng. Đọc rất chậm vì nhiều chi tiết về lịch sử mình không giỏi để tiếp thu, ghi nhớ và hiểu tường tận. Nhưng đặc biệt hơn, vì đây là cuốn hồi kí ghi lại gần 100 năm cuộc đời của một người phụ nữ kiên trường, dũng cảm; người phụ nữ mạnh mẽ vô cùng khi dám lăn xả trong bom đạn, dám bước qua vùng an toàn để “nhập vai” trở thành người chế thuốc nổ, phiên dịch, đi vào chiến trường để làm phim, làm cả bác sĩ, rồi phóng viên và mở phòng tranh. Cũng là người trải qua nỗi đau tan vỡ của mối tình đầu, nỗi đau chia ly gia đình, những niềm đau được nhắc đến ít thôi mà vẫn khiến người đọc trẻ, là mình, đôi lúc nổi da gà, rơi nước mắt.
Trước khi đọc “Gánh gánh gồng gồng”, mình đã nghe trọn vẹn số Have a sip: Cuộc đời này chỉ có một lần để sống – Đạo diễn, Tác giả sách, Nhà sáng lập Lotus Gallery Xuân Phượng. Mình tò mò lắm, bà nội mình 93 tuổi đã qua đời, còn bà Xuân Phượng 93 tuổi mà tâm hồn, tính cách, khí phách hơn hẳn những người trẻ. Mình tò mò vì sao bà có thể tràn đầy sức sống như vậy, minh mẫn như vậy và mình tìm đọc “Gánh gánh gồng gồng”. Trong suốt buổi nói chuyện với MC Thuỳ Minh, bà nhắc đi nhắc lại câu nói: Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống. Bà khuyên những bạn trẻ hãy “Nhìn và thấy”, hãy quan sát, học từ những người giỏi hơn. Bà luôn khiến bản thân bận rộn, có nghĩa là luôn để trí óc của mình được học điều mới, suy nghĩ, tìm tòi, khám phá. Những chia sẻ ấy, mình nghĩ, chính là bí kíp để ở tuổi 93, bà vẫn mang tâm hồn của một thiếu nữ – như biệt danh “thiếu nữ 93” mà Hồ Anh Thái dành cho bà.
Đối với riêng mình, chi tiết mình ấn tượng nhất trong cuốn sách là khi bà cầm những đồng tiền bị vò nát do chồng đưa, vuốt phẳng và nhận ra rằng, cuộc đời mình không thể phụ thuộc vào bất cứ ai được. Mình thấy nó đúng quá đối với mình lúc này.
“Gánh gánh gồng gồng” là một tựa hay cho cuốn hồi kí của Xuân Phượng, có lẽ không có câu từ nào hay hơn, phù hợp hơn và gợi hình ảnh, cảm xúc hơn bốn chữ này.