Mình học Ngân hàng nhưng lại thích viết. Hồi còn sinh viên, mình đã đắm chìm trong việc viết ra những câu thơ, truyện ngắn. Có lần gửi bài trong các cuộc thi, chỉ cần bài được đăng, không cần tiền nhuận bút, mình đã vui sướng đến bật cười ồ lên. Khoảng thời gian ra trường chắc là khoảng thời gian mình mông lung nhất về chọn nghề. Và thật may mắn khi việc yêu thích viết lách lại là cơ duyên giúp mình tình cờ đi theo con đường này.
Nhưng viết với đam mê khác xa viết bán hàng. Sau một thời gian thăng hoa trong câu chữ, mình lại “bị hẫng” như bất thình lình rơi vào một cái hố đầy hoài nghi. Mỗi lần mang trong mình những băn khoăn, mình thường quan sát cách mọi người làm việc. Có những lúc mình vẫn tự hỏi: “Hay là mình không hợp công việc này?”, “Hay là năng lực của mình chỉ đến thế?”, “Hay là vì mình làm không tốt nên mình không được nhận những công việc thử thách hơn?”.
Đến tận bây giờ, mình vẫn còn vô vàn những câu hỏi: “Bạn gái bán Café dạo, bằng cách nào bạn ấy có thể luôn tươi cười, niềm nở, lịch sự với khách khi mà cứ phải đứng ở ngoài đường nắng nóng?”, “Chồng mình vì sao có thể gắn bó mà chưa bao giờ phàn nàn với mình về công việc trong suốt hơn 10 năm?”, “Vì sao chồng mình có thể vượt cả trời mưa để ra sân đánh một trận Tennis rồi về?”…
Hoá ra những câu hỏi như vậy, mình lại tìm được lời giải đáp trong cuốn sách Flow – Dòng chảy của Mihaly Csikszentmihalyi (cuốn này: https://s.shopee.vn/1B4rLIhO5A) với một ví dụ đánh trực tiếp vào băn khoăn của mình về một người công nhân trong dây chuyền lắp ráp. Anh phải thực hiện một nhiệm vụ lặp đi lặp lại tới 600 lần mỗi ngày, trong 5 năm liên tiếp nhưng vẫn yêu thích công việc ấy. “Lý do là bởi vì anh tiếp cận nhiệm vụ của mình theo cùng một cách mà VĐV Thế vận hội tiếp cận các giải đấu của họ: Làm thế nào để phá kỉ lục?” và bằng sự cẩn trọng của một bác sĩ.
Thậm chí, cái tình huống mình đến với nghề cũng được tác giả nhắc đến trong sách. Đó là một sự kiện ngẫu nhiên dẫn mình tới lựa chọn mục tiêu, tập trung sự chú ý xung quanh mối quan tâm về nghề nghiệp và định hình cái tôi.
Những ấn tượng mình kể trên đây chỉ là một phần nhỏ hấp dẫn trong cuốn sách vốn giữ vị trí Best-seller. Theo mình, sách chia thành 2 phần: Giải thích lý thuyết nền tảng (Từ Chương 1 đến Chương 6) và Ứng dụng (Chương 7 đến Chương 10).
Ngay khi đọc xong Chương 6 của Dòng chảy – khép lại phần Lý thuyết, mình nghĩ cần viết lại vì thật sự quá nhiều khái niệm, kiến thức về tâm lý mà mình đọc chưa hiểu lắm. Vì thế, bài viết này hoàn toàn là những điều rút ra từ cuốn sách theo quan điểm cá nhân, cách hiểu chủ quan của bản thân.
“Vibe” dòng chảy trong cách đặt vấn đề
Khi mới bắt đầu, “vibe” mà mình cảm nhận được từ cuốn sách giống như đúng tên gọi của nó – một dòng chảy cuốn hút thật sự. Tác giả mở đầu bằng việc định nghĩa lại về hạnh phúc – một điều quen thuộc mà ai cũng hướng đến, tìm kiếm trong cuộc sống nhưng lại khá mơ hồ về nó.
Điều này càng khẳng định rõ nét hơn cách hiểu “Hạnh phúc là một hành trình”. Thì ra nó không chỉ là những điều tốt đẹp mà còn chứa đựng trong những điều tồi tệ. Thì ra, chính những khó khăn, thử thách lại mang đến hạnh phúc. Nói cách khác, hạnh phúc chính là kiểm soát nội tại, đến từ bên trong chứ không phải những thứ cầm nắm được bên ngoài.
Đi từ khái niệm quen thuộc, tác giả dẫn dắt người đọc bắt đầu hình dung ra bức tranh lớn về hạnh phúc, mà trong đó “trải nghiệm tối ưu” là một mảnh ghép nhỏ. (Ngược với trải nghiệm tối ưu là Entropy tâm thần – điều cản trở bạn có được trạng thái dòng chảy mà tác giả sẽ giải thích ở các phần sau).
Theo mình hiểu về logic, trạng thái dòng chảy được sinh ra trong chính trải nghiệm tối ưu đó. Đó là một trạng thái đẹp đẽ của tinh thần mà khi đó, “mối bận tâm về cái tôi biến mất nhưng cảm giác về cái tôi trỗi dậy sau khi trải nghiệm dòng chảy kết thúc” và “Cảm giác về thời gian trôi qua bị biến đổi”.
Và bắt đầu phải nghiền ngẫm về trạng thái “dòng chảy”
Như mình chia cuốn sách thành 2 phần lớn – Lý thuyết và Ứng dụng. Ở phần 1 (6 chương đầu), tác giả sẽ cung cấp kiến thức, nội dung :
1. Cách thức hoạt động của ý thức và cách thức nó được kiểm soát
- Ý thức là thông tin được sắp xếp có chủ đích
- Thông tin chúng ta cho phép đi vào ý thức cực kỳ quan trọng. Đó là thứ quyết định nội dung và chất lượng cuộc sống.
- Chúng ta đều có khả năng tập trung sự chú ý theo mong muốn của mình.
- Sự chú ý chính là nguồn năng lượng tinh thần, là công cụ quan trọng nhất trong nhiệm vụ cải thiện chất lượng trải nghiệm.
- Sự chú ý có thể bị cản trở bởi Entropy tâm thần – nói cách khác là “rối loạn ý thức”
- Và trải nghiệm dòng chảy là khi sự chú ý được tư do tập trung để đạt được mục tiêu.
2. Sự thưởng thức – khoảng thời gian thú vị nhất trong cuộc sống
- Có 2 chiến lược để cải thiện chất lượng cuộc sống: Thay đổi điều kiện bên ngoài và Thay đổi cách chúng ta trải nghiệm. Hai chiến lược này cần được áp dụng đồng thời.
- Khác với khoái lạc (hoạt động giúp sắp xếp lại trật tự của ý thức nhưng không tạo ra sự trưởng thành tâm lý), sự thưởng thức “diễn ra khi một cá nhân không chỉ được đáp ứng một kì vọng ưu tiên hay được thoả mãn một nhu cầu, một mong muốn mà còn đạt được điều gì đó ngoài mong đợi”.
- Sự thưởng thức xảy ra khi chúng ta đầu tư sự chú ý khác bình thường.
- Thời điểm xuất hiện sự thưởng thức: “Ranh giới giữa buồn chán và lo lắng, khi thách thức được cân bằng với khả năng hành động”.
3. Các điều kiện của dòng chảy
Mình mô hình hoá lại nội dung về “Các điều kiện của trải nghiệm dòng chảy” như trong hình. Trải nghiệm dòng chảy chịu tác động của Yếu tố bên ngoài (Văn hoá, gia đình) và Điều kiện bên trong (Mục đích tự thân, Cấu trúc sinh lý, Con người của dòng chảy – chủ nghĩa cá nhân không ý thức về bản ngã).
Trong đó, một thành tố quan trọng là “Mục đích tự thân”: là một hoạt động mang tính tự túc, khép kín, đơn giản là vì chính việc làm đó đã là một phần thưởng.
4. Những cơ hội tận hưởng niềm vui như kỹ năng thể lý, cảm giác và kỹ năng mang tính biểu tượng.
- Trải nghiệm dòng chảy qua một số hoạt động thể chất như đi bộ, yoga và võ thuật, nhảy múa…
Cải thiện chất lượng cuộc sống một cách đáng kể bằng cách khám phá một hoặc nhiều khía cạnh của khả năng thể chất trước đây vốn bị phớt lờ. Có nghĩa là, bạn có thể không trở thành một vận động viên hoặc vũ công giỏi, nhưng bạn có thể phát triển kĩ năng vừa đủ để tìm được niềm vui trong những gì mà cơ thể có thể làm được. - Trải nghiệm dòng chảy qua các hoạt động trí óc (đọc sách là ví dụ điển hình). “Học tập suốt đời” là để hiểu những gì đang xảy ra xung quanh, phát triển ý thức cá nhân có ý nghĩa về tất cả trải nghiệm của mình để đạt được niềm vui sâu sắc.
- Dù là hoạt động tinh thần hay thể chất, để đạt được trạng thái dòng chảy cần có:
- Kỹ năng trong một lĩnh vực tượng trưng
- Quy tắc, mục tiêu và phương thức tiệp nhận phản hồi
- Khả năng tập trung, tương tác với các cơ hội tương xứng với kỹ năng của mình.
Mượn lời trích dẫn của tác giả khi khép lại chương 6 để kết cho chính bài viết của mình về những gì xảy ra khi một người lần đầu tiên phát hiện ra dòng chảy của tâm trí.