Đó là tựa đề và câu tagline xuất hiện ngay trên bìa cuốn sách. Phải khẳng định rằng, “Dạy con trong hoang mang” là sách dành cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ những ai đang làm bố mẹ.

Khi đọc tiêu đề “Dạy con trong hoang mang”, mình đã bị ấn tượng bởi nó đánh trúng vào tâm lý của bản thân. Nghĩa là mình có rất nhiều những thắc mắc, suy nghĩ bị mắc kẹt ở nhiều khía cạnh dù mình đã đọc một vài cuốn về nuôi dạy con trước đó rồi.

Vì sao mình càng ngày càng khó kiềm chế cảm xúc của bản thân với con?

Vì sao mình đã rất nỗ lực để giữ bình tĩnh nhưng chỉ cần con không hợp tác, không làm đúng điều mình nói thì mình lại sẵn sàng buông lời mắng mỏ?

Những câu hỏi vì sao cứ không ngừng không ngừng tiếp diễn khiến mình rơi vào trạng thái “hoang mang” như vậy.

Câu tagline “Hành trình chuyển hoá chính mình để giáo dục trẻ thơ” khiến mình bị lôi cuốn hơn vào cuốn sách. Cùng với những điều đã đọc, những bài học mình tự rút ra, mình hiểu rằng việc nuôi dạy con nên bắt đầu và tập trung vào việc thay đổi bản thân bố mẹ trước nhất. “Dạy con trong hoang mang” đã mang đến cho mình những điều “ồ”, “à” như thế sau mỗi chương khép lại.

Tuy cuốn sách không quá dày, nhưng hai phần của “Dạy con trong hoang mang” gần như bao trùm được các vấn đề quen thuộc mà bố mẹ hay mắc phải như sự kết nối giữa con cái và bố mẹ, những lời doạ nạt, những lời khen chưa đúng cách… Các vấn đề về khoảng cách thế hệ, hiểu đúng về nhân-quả, về trầm cảm và nỗi u sầu, vì sao trẻ lại luôn cần được yêu thương… cũng được tác giả đưa vào.

Đặc biệt hơn, cách tiếp cận vấn đề vừa khoa học, triết lý; vừa văn chương, sâu lắng; thuyết phục hơn dưới góc nhìn Phật giáo. Tác giả khai thác mỗi vấn đề bằng cách hướng vào bên trong nội tâm của các bậc cha mẹ, minh chứng bằng những câu chuyện làm nghề và dẫn chứng khoa học, nghiên cứu rồi khép lại mỗi bài viết bằng một bài học đúc kết. Chính điều này khiến mình tiếp cận các vấn đề thực tế được nêu ra, có đau thương, “trúng tim đen” thật đấy nhưng vẫn cảm nhận từng câu chữ như một dòng chảy yên ả, đọng lại sau cuối là nhiều điều đáng suy ngẫm về “chuyển hoá chính mình” trước khi “giáo dục trẻ thơ”.

Ngay Lời mở đầu, tác giả nhắc tới việc sử dụng câu từ hơi hướm cổ xưa, nhiều từ có thể ngày nay không còn được dùng nhiều nữa. Cá nhân mình thấy đó là một nét đặc trưng khiến mình cảm thấy vừa như đang xem một bộ phim kiếm hiệp, vừa như bước ra khỏi đó và xuyên không về hiện tại. Cách dẫn dắt ấy như một dòng chảy lôi cuốn mình vào nội dung “Dạy con trong hoang mang”. Mình rất thích!

Với những cuốn sách như “Dạy con trong hoang mang”, mình nghĩ sẽ cần tự đọc và nghiền ngẫm để rút ra những bài học của riêng mình, để suy ngẫm về chính bản thân. Mà điều này, mình hẹn các bạn trong một bài viết khác nhé!


Sau khi đọc “Dạy con trong hoang mang”, mình mới tìm nghe Podcast với tên gọi “Cuộc chiến trong gia đình, không ai là người chiến thắng” của Tiến sĩ Lê Nguyên Phương (tác giả cuốn sách) trên Have a sip. Và bạn biết không, đó là gần 2h đồng hồ với bao la kiến thức. Mình thật sự thán phục trước con người, nhân cách, tài năng, trí tuệ của thầy Lê Nguyên Phương.

Dù bạn là bất kì ai bạn cũng nên nghe ít nhất một lần.

Trong số này, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương có nhắc tới các chủ đề đã được viết trong cuốn sách, diễn giải chi tiết hơn các nội dung về:

  • Lý giải về đứt gãy thế hệ
  • Giải thích danh xưng “thế hệ thuỷ tinh” của GenZ dưới bức tranh toàn cảnh từ quá khứ tới hiện tại, từ lịch sử, văn hoá đến chính bố mẹ có ảnh hưởng như thế nào
  • Nhấn mạnh vào sức mạnh của yêu thương tích cực vô điều kiện (unconditional possitive regard)
  • Nhắc lại nhiều lần về khai mở, đánh thức nội tâm để tìm thấy suối nguồn bên trong mình

Và mình đã thật sự rơi nước mắt khi thầy nói về những đứa trẻ ở tuổi vị thành niên với những thiếu thốn tình cảm, những bế tắc và bất lực khi không tìm thấy một người để chia sẻ, an ủi, động viên. Thầy nhắn gửi tới các bạn trẻ: Các em không bao giờ cô đơn, kiểu gì ngoài kia cũng có những người hiểu các em, sẵn sàng lắng nghe và ủng hộ các em. Họ có thể không phải “máu mủ ruột già”, họ không nhất thiết phải là bố mẹ, anh chị, ông bà… họ có thể là bất cứ ai. Không ai cô đơn trên cuộc đời này.

Những điều ấy viết lại đây có vẻ hơi sáo rỗng nhưng đó là điều mà mình rất mong muốn ai rơi vào tình cảnh bế tắc sẽ có thể nghe được. Mình nhớ mãi lúc mình bất lực khi ngay cả người thân yêu nhất cũng phản đối cách hành xử của mình. Mình vô vàn biết ơn và không bao giờ quên tin nhắn của một người bạn: “Tao có thể không giúp được gì nhưng tao sẽ đứng về phe mày”. Và mình hiểu rằng, vào lúc cô đơn nhất ấy, điều mình cần không phải một lời khuyên, một giải pháp mà là sự lắng nghe và biết trên đời có người luôn “đứng về phe mình”.