Mình đã… “nín thở” trong suốt 9 tháng mang bầu để chờ tới ngày Mỡ chào đời mới dám khoe với mọi người.
Suốt 9 tháng, mình hồi hộp chờ tới tuần thứ 7 để nhìn thấy trái tim con đập – dấu hiệu đầu tiên của sự sống; bồn chồn ở những mốc siêu âm hình thái quan trọng.
Suốt 9 tháng, mình ôm bụng bầu và cầu mong con sẽ luôn mạnh khoẻ.
Mình chuyển dạ vào lúc 10h tối. Cả ngày hôm đó, mình đã cảm nhận được những tín hiệu đầu tiên từ con. Mình thấy con đạp nhiều hơn, những cơn gò xuất hiện nhiều. Cho đến đêm, tất cả dấu hiệu chuyển dạ mới trở nên rõ ràng.
Phòng mổ ở Hồng Ngọc sáng choang, sạch sẽ; khác hẳn với phòng mổ ở Phụ sản TW hồi mình sinh Bánh Rán, chỉ thấy những cơn đau tưởng muốn… chết đi sống lại. Mũi tiêm gây tê tuỷ sống lần này cũng khác lần trước, mình cứ lo sợ điều gì đó và thật may, mọi thứ đều tốt đẹp. Mình nằm trên giường mà nghe tiếng dao, kéo loạch xoạch; người run cầm cập và phải thở bằng miệng. Cho tới khi bụng mình nhẹ bẫng, Mỡ được bác sĩ đón ra và cất tiếng khóc “oe oe” ngay lập tức. Nếu hồi sinh Bánh Rán mình cứ rơi nước mắt thì sinh Mỡ mình lại không bị xúc động quá nhiều như vậy. Lần sinh mổ này, đáng sợ nhất là cơn co dạ con mà nghĩ lại mình vẫn thấy sợ… đẻ. Huhu.
Mỡ được cô y tá đưa về nằm cạnh mẹ. Chỉ có hai mẹ con, mình không thể nhúc nhích để bế con nên chỉ lấy tay vỗ về. Em bé chắc nhận ra giọng mẹ nên không còn ọ oẹ mà nằm yên nghe mẹ hát – toàn những bài quen thuộc mẹ hay hát cho chị Bánh Rán nghe.
Hôm hai vợ chồng và Mỡ được ra viện, về nhà Bánh Rán vui lắm. Bánh Rán loanh quanh cạnh em rồi còn bảo: “Chị đây! Về đến nhà mình rồi đấy Mỡ”. Và những ngày sau Bánh Rán vẫn rất yêu thương em, trừ những lúc tủi thân…
Có hai em bé, không phải tình cảm sẽ bị chia đều mà thay vào đó, chúng lại nhân lên gấp đôi. Mình thương Bánh Rán nhiều hơn và cũng thương Mỡ rất nhiều.