Cuộc thi viết “Nhạc Trịnh trong tôi” năm nay vẫn được tổ chức trên báo Một Thế Giới. Đây là lần thứ 5 rồi. Chợt nhớ ra mình cũng có bài được giải thưởng cơ đấy! Mới đó đã gần một năm…

***

Ngày tôi vào cấp 3, trong sách giáo khoa Ngữ Văn có một bài mà tôi rất thích, đó là bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Lúc đó, Huế trong tôi có thêm dòng sông Hương và cầu Trường Tiền đượm tình. Không hiểu vì sao, tôi yêu Huế từ thời gian ấy.

Có một ngày lớn hơn, tôi nghe nhiều nhạc Trịnh chủ yếu qua giọng Khánh Ly xưa cũ. Thoạt đầu nghe chỉ vì thấy hợp gout âm nhạc của mình, sau này mới biết Trịnh Công Sơn là người con của Huế… Hà Nội những ngày này trời mưa dầm dề gợi nỗi buồn rầu rĩ. Hà Nội có một góc café mà tôi thích ẩn nấp ở đó, để văng vẳng bên tai là những câu hát nhạc Trịnh. Ở tuổi đôi mươi, tôi chưa đủ trải đời để thấm thía được từng câu từng chữ trong những bài hát của ông. Nhạc Trịnh là triết lý, là sâu xa nhưng cũng mộc mạc và gần gụi. Cứ mỗi lần trời mưa tôi lại nhớ tới mấy câu ca “Buồn ơi trong đêm thâu/ Ôm ấp giùm ta nhé/ Người em thương mưa ngâu/ Hay khóc sầu nhân thế/ Tình ta đêm về có ấm/ từng cơn mưa em chưa…”.

Hôm nay tôi nghe Ướt mi không phải Khánh Ly hát như mọi lần mà tìm tới Thanh Thúy, người ca sĩ gắn liền với bài hát này, người con gái Huế mà Trịnh Công Sơn viết ca khúc này dành tặng. Thuở ấy, ông còn kém tuổi tôi bây giờ. Bất chợt tôi lại tự hỏi “Vì Trịnh là người con của Huế nên tôi càng thêm nhiều tình cảm với nơi ấy? Cái thôi thúc một ngày tới Huế càng rõ nét trong tôi, chộn rộn”

Nỗi rầu rầu của Ướt mi khiến tôi băn khoăn liệu có phải Huế cũng “mưa lạnh lùng rơi rớt giữa đêm về nghe não nề/ Mưa kéo dài lê thê những đêm khuya lạnh ướt mi”? Có phải xứ mộng mơ đó “còn buồn khi lá rớt rơi trong một cuối đông”? Có phải vì là người con của Huế nên nhạc Trịnh dù không hề nhắc tới một từ “Huế” nhưng vẫn gợi lên được cả cái hồn của nơi ấy? Ướt mi luôn là một trong những bài hát của Trịnh Công Sơn mà tôi thích và nghe đi nghe lại nhiều lần.

Đến giờ, dù chưa một lần tới Huế, tôi vẫn thường tưởng tượng ra được đứng trên cầu Trường Tiền ngắm dòng sông Hương đầy quyến luyến; được dầm mưa chốn xa xôi ấy xem mưa Huế có khác với mưa Hà Nội mùa này hay không; được đi trên con đường Trịnh Công Sơn để nhớ tới một nhạc sĩ đã cho tôi những đồng cảm và hiểu hơn về cảm xúc trong nhạc của ông. Điều giản đơn đó vẫn là ước vọng lớn lao của tôi ở thời điểm hiện tại. Tôi nhớ, Trịnh Công Sơn đã từng viết trong “Nhật ký Huế” rằng “Huế là người yêu của tôi, là giấc mộng của tôi. Nhưng bây giờ tôi còn Sài gòn và Hà nội. Tôi thấy đâu cũng là quê nhà. ở đâu tôi cũng có giấc mộng và tình yêu. Và vì vậy, đôi lúc tôi không còn cảm thấy mình thuộc về một xứ sở nào nữa. Nhưng ngẫm cho cùng, thì Huế vẫn là quê nhà của tôi, và ngày nào Huế chưa phụ bạc tôi, thì tôi vẫn là đứa con không bị từ chối của Huế.” Huế chẳng là riêng của ai nhưng bởi người sinh ra ở Huế nên người trót mang theo nỗi buồn xứ ấy vào trong từng ca khúc, phải chăng là thế? Vậy là, giờ đây, với tôi Huế còn là Trịnh.

Bạn tôi hỏi “Vì sao mày muốn đi Huế?”. Tôi cười “Vì Huế buồn”. Tôi luôn thích cái buồn buồn, miên man mà tôi cảm nhận được về Huế. Huế buồn mà thương như nhạc Trịnh dù sầu não vẫn rất đẹp. Tình yêu trong nhạc Trịnh không dừng lại giản đơn là tình yêu nam nữ mà trải dài và rộng ra tình yêu con người bao la, lây lan sang cả tình yêu Huế của riêng tôi. Ướt mi cũng buồn và thương theo cách riêng mà Trịnh Công Sơn truyền tải. Nghệ thuật âm thanh và ngôn từ gợi cho riêng tôi một-điều-gì-đó rất Huế qua ca khúc này. Trịnh Công Sơn đã mang Huế từ thuở mười sáu của tôi gộp lại với Huế bây giờ để tình yêu Huế càng ngày càng sâu sắc.

Và bây giờ nếu có ai hỏi tôi một lần nữa rằng “Vì sao tôi chọn Huế”, tôi sẽ trả lời ngay lập tức “Tôi chọn Huế vì Trịnh”.

***

Nhìn lại thì cảm thấy bài viết này đạt giải xuất sắc cũng một phần vì sự giản dị và chân thành của mình. Hồi đó còn ở căn phòng trọ bên Chùa Láng, khi mọi người đã đi ngủ rồi thì mình ngồi viết trong bóng tối. Ngoài trời mưa to lắm, cứ rả rích kiểu trăn trở vậy. Mà mưa thì toàn nghĩ tới “Ướt mi”. Hôm đó mình mới ngồi tìm hiểu và viết về bài hát này, còn giấc mơ tới Huế sau đấy không lâu đã được thực hiện 😀 (Bức ảnh bên trên cũng được chụp vào dịp đó).

Mối tình hay chữ “duyên” với Trịnh còn nhiều lắm, mình tin là vậy.