Cơ duyên đưa mình đến với cuốn sách “Đúng việc” của thầy Giản Tư Trung là chương trình Have a sip, mà mình đã có bài viết chia sẻ rồi. Bài viết này mình tóm tắt lại nội dung buổi nói chuyện, cũng có một số phần được tác giả viết trong sách nên mời các bạn đọc thêm.
“Đúng việc”, nhìn một cách tổng quan, được viết rất logic với những luận điểm, luận cứ rõ ràng, đơn giản mà dễ hiểu. Những nội dung trong sách được đúc kết thành những công thức, mô hình rất chuẩn chỉ. Khi đọc, mình có những cảm nhận y như cách mình nghĩ về thầy Giản Tư Trung qua chương trình Have a sip.
4 phần của “Đúng việc”: Làm người, Làm dân, Làm nghề và Làm giáo dục
Mình nghĩ, nhiều người sẽ cảm thấy hơi khô khan, nhàm chán khi đọc cuốn sách này. Nhưng rồi đến một thời điểm thích hợp, như mình bây giờ, thì cuốn sách lại rất hữu ích. Thật sự khi đọc Phần 1: Làm người, mình rất tâm đắc, rất thích những “công thức” làm người mà tác giả nhắc tới:
Làm người = Túi văn hoá + Túi chuyên môn
(Trong đó: Túi văn hoá = Đầu minh định + Tim có hồn; Túi chuyên môn = Đầu chuyên gia + Tim yêu nghề)
Nội dung chính của phần này được tóm gọn trong 1 mô hình vòng tròn mà tác giả gọi là: “Mô hình Ta là sản phẩm của chính mình). Mô hình ấy gồm có: Khai phóng bản thân, Tìm ra chính mình, Làm ra chính mình, Giữ được chính mình. Giống như một vòng đời, các cấu phần diễn ra liên tục không có hồi kết, nghĩa là ở thời điểm hiện tại, có thể bạn đã tìm ra chính mình, giữ được chính mình rồi nhưng mọi thứ có thể thay đổi trong tương lai. Và để trở thành một con người tự do/tự trị, bạn cần luôn luôn thực hành mô hình này.
Các phần tiếp theo: Làm dân, Làm nghề, Làm giáo dục với mình có phần hơi vĩ mô, hơi bao quát nhưng suy cho cùng, làm dân, làm nghề cũng đều là làm người. Mình như thế nào, mình sẽ trở thành một công dân, một nhân viên/lãnh đạo như thế.
Với phần “Làm nghề”, tác giả đưa ra những so sánh và nêu đúng tên, đúng việc của một số nghề. Nó làm mình suy nghĩ đến sự nghiêm túc trong công việc mà mình lựa chọn. Bạn có thể tìm sách đọc thêm để hiểu rõ nhé.
Còn ở phần Làm giáo dục, tác giả nhắc đến các môi trường giáo dục tạo nên con người mình, trong đó có một yếu tố gần gũi, đó là Gia đình. Dù học ở đâu thì gia đình cũng là nền tảng, là môi trường học tập đầu tiên của mỗi người. Hãy coi những đứa con của mình là “con người” chứ không phải “con mình” để không ép buộc chúng phải làm theo ý mình muốn, phải thực hiện ước mơ của bố mẹ mà bản thân chúng không mong muốn.
“Ta là sản phẩm của chính mình” và những key word khác
Đọc “Đúng việc”, bạn sẽ thấy cụm từ này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nó như một lời nhắn nhủ về trách nhiệm của chúng ta với chính bản thân. Dù bạn đang muốn tìm con đường để khai phóng bản thân, tìm công việc, nhớ đến câu nói này có thể sẽ giúp bạn quyết tâm hơn, bền bỉ hơn, và có trách nhiệm hơn với những chọn lựa của mình.
“Con người tự do/tự trị”, “khai phóng”, “khai minh” là những keyword khác bạn có thể tìm kiếm lời giải thích trong sách. Con đường để trở thành một con người tự do/tự trị chính là tự lực khai phóng, nghĩa là tự lực khai minh và giải phóng bản thân, tự lực khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng của chính mình. Đó là con đường tốt nhất để mình trở nên tốt hơn. Bản thân mình tốt thì mọi thứ xung quanh tự khắc sẽ tốt theo.
“Chính bạn phải là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trong cuộc đời”
Mình trích dẫn lại câu nói này, nguyên văn tiếng Anh là: “You must be the change you wish to see in the world” thay cho lời kết. Thật sự có quá nhiều điều, nhiều kiến thức, nhiều khía cạnh có thể khai thác được từ “Đúng việc” mà một bài review này là chưa đủ. Nhưng mình xin phép dừng ở đây với những điều có ý nghĩa với mình nhất tại thời điểm mình đọc sách.
Sau tất cả, mình muốn nhắn nhủ với chính mình và các bạn, nếu bản thân mình không tự do, không hạnh phúc thì cuộc sống xung quanh cũng sẽ không được như ý.