Mình xin phép mượn tiêu đề của chương trình Have a sip – Buổi nói chuyện với thầy Giản Tư Trung làm tiêu đề cho bài viết này. Với thầy Giản Tư Trung, trước khi nghe Have a sip, mình chưa có một “điểm chạm” nào đặc biệt cả. Có lẽ do còn quá nhiều băn khoăn, hoang mang về bản thân, mình đã click vào video và bắt đầu nghe.
3 điều cần tìm để biết mình là ai?
Để sống được là chính mình thì trước tiên, bạn phải có “chính mình”. Trong buổi nói chuyện, thầy Giản Tư Trung đã đưa ra 3 vòng tròn bạn cần xác định trong hành trình tìm thấy “chính mình” đó:
Một là, con người giới tính. Nhiều người lầm tưởng rằng giới tính ở đây chỉ có nam, nữ và giới tính thứ 3. Thực tế, giới tính hay chính xác hơn là xu hướng tính dục của con người gồm 5 xu hướng: Dị tính, song tính, đồng tính, chuyển giới và vô tính. Việc xác định con người giới tính với số đông là không khó, nhưng trong xã hội hiện nay, nhiều bạn trẻ cảm thấy có phần khó khăn.
Hai là, con người chuyên môn. Nghĩa là bạn cần xác định bạn giỏi về điều gì, bạn nên làm nghề gì, bạn có tài năng gì?
Ba là, con người văn hoá. Con người văn hoá chính là con người khó xác định nhất. Con người văn hoá chính là bản thể, là lẽ sống mà chúng ta theo đuổi.
Khi xác định được 3 con người này, bạn sẽ biết mình là ai. Viết ra thì đơn giản mà hành trình lại nhiều gian nan, thăng trầm, đấu tranh, mâu thuẫn, đúng không?
“Sống là gì?”
Để xác định được con người văn hoá của mình, chúng ta thường đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Sống để làm gì?”. Những câu trả lời mang tầm vĩ mô, theo từng quan điểm cá nhân lại được thầy Giản Tư Trung đơn giản hoá bằng một câu: Sống đơn giản chỉ là… sống thôi. Nhưng câu hỏi lớn hơn bạn cần tìm câu trả lời là: “Sống là gì?”
Ở đây, thầy đưa ra hướng dẫn, hãy tìm sự khác biệt giữa “Sống và tồn tại”, sự khác biệt giữa “Sống và chết”. Khi đó, bản thân mỗi người sẽ có được câu trả lời cho chính mình. Mà theo thầy, sự khác biệt ấy chính là “Tình yêu”. Tình yêu đôi lứa, con cái, công việc, quê hương – đất nước được bao trùm trong một tình yêu lớn: “Tình yêu bản thân”. Nghĩa là yêu thân thể và bản thể (con người văn hoá – cái “self”). Sống theo MC Thuỳ Minh chính là vui trong mọi khoảnh khắc, sống trong mọi việc mình làm, sống 24/7 đúng nghĩa.
“Đứt gãy thế hệ”
Trong hành trình đi tìm chính mình, có mấy ai không va phải trở ngại về sự khác biệt thế hệ? Không ai có thể sống một mình trong cuộc đời này. Sự khó khăn ấy chính là “đứt gãy thế hệ”, là những mâu thuẫn giữa mình với những thế hệ khác xung quanh mình. Khoảng cách thế hệ ở xã hội ngày nay ngắn hơn, bất đồng xảy ra ngay với anh em về quan điểm sống.
Cha mẹ có quyền nhân danh tình thương trong quyết định và cư xử với con cái. Con cái có quyền nhân danh tự do để làm theo ý mình. Không ai sai, tình thương và tự do vốn là những điều tốt đẹp. Cái sai ở đây chính là thiếu sự khai minh, chưa hiểu đúng về hai từ “tình thương” và “tự do” ấy.
- Tình thương: là giúp người khác sống theo cách của họ mà mình vẫn cảm thấy vui vẻ
- Tự do: là được sống theo cách của mình nhưng không làm tổn thương người khác
Để giải quyết được mâu thuẫn này chỉ có hai cách. Đó là sự khai minh và thời gian. Khai minh là cách hiểu đúng về những điều tốt đẹp mà mình mong muốn mang tới cho nhau. Thời gian là kiên nhẫn để người kia hiểu ra vấn đề và sự thay đổi tích cực.
Thay đổi tích cực hay trong bài nói chuyện, thầy Giản Tư Trung nhắc tới các bước trưởng thành của một con người:
- Một người sống theo cách của bố mẹ sắp đặt, học theo cách của thầy cô, làm theo mong muốn của cấp trên. Giai đoạn này được gọi là “your way”/dependent/ sống theo cách của người khác. Đây là một cách sống khiến bản thân cảm thấy “không được là chính mình”.
- Cho đến một ngày, họ nhận ra họ cần phải thay đổi, làm khác đi. Họ bắt đầu sống theo cách của bản thân, học theo cách của bản thân và làm việc theo cách của chính mình. Đây là giai đoạn “Me first”/”My way”/independent/mình là trên hết. Không phải ai cũng có thể làm được điều này, mặc dù vậy, nếu sống như vậy thì “không còn ai ở bên cạnh”.
- Vì thế, hành trình trưởng thành còn được nâng cấp lên một bậc. Đó là “Our way”/Interdependent/Sống hạnh phúc là chính mình nhưng cũng mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh.
Có một lưu ý nhỏ, khi thấy một người luôn đặt mình lên trên hết, cũng đừng trách hay đánh giá họ mà hãy coi đây là quá trình họ đang phát triển, đang trưởng thành. Vì nếu không đi qua bước này, họ sẽ không nhận ra mình cần nâng cấp bản thân lên một level cao hơn: “Our way”.
Cảm nhận của cá nhân
Bên trên, mình đã ghi lại tóm tắt nội dung của buổi nói chuyện, đều là những điều “chạm” tới những băn khoăn, lo lắng của mình hiện tại. Từ việc mình là ai cho đến những khoảng cách thế hệ mình trải qua. Phần lưu ý nhỏ của thầy khiến mình bao dung hơn cho những việc mình làm để bảo vệ “cuộc sống của chính mình” hiện tại, để thêm thời gian suy nghĩ đến nấc cao hơn về việc “Live our way”.
Ở thầy Giản Tư Trung, mình thấy một sự kiên định, kiên định như cách thầy chọn đồ uống và cách thầy trả lời câu hỏi “ra hoang đảo” của MC Thuỳ Minh. Nói đúng hơn, đó là sự vững chãi từ bên trong. Người có sự vững chãi ấy là người không bị lung lay, lo sợ trước những thay đổi trong cuộc sống.
Và mình nghĩ, 1h30p không phải thời gian thầy có thể chia sẻ hết mọi điều mà là một sự gợi mở, định hướng để những ai đang đi tìm chính mình rõ ràng hơn trong việc xác định con đường và những lựa chọn. Bạn có thấy vậy không?