Hành trình về Phương Đông của tác giả Baird T. Spalding, phóng tác Nguyên Phong, là một cuốn sách mang hơi hướng tâm linh. Sách kể về những trải nghiệm của một đoàn khoa học gồm các chuyên gia hàng đầu của Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh được cử sang Ấn Độ nghiên cứu về huyền học và những khả năng siêu nhiên của con người. Trong khi phương Tây quá tự hào về những nghiên cứu khoa học có thể giải thích mọi vấn đề trong cuộc sống, thì những sự kiện lạ lùng ở Ấn Độ đã làm đảo lộn niềm tin ấy.
Hành trình về phương Đông là nơi Khoa học Minh triết hội ngộ
“Phương Đông có những chân lý quan trọng đáng để cho người phương Tây nghiên cứu, học hỏi. Đã đến lúc người phương Tây phải quay về phương Đông để trở về với quê hương tinh thần”. Đó là lời của Giáo sư Spalding. Quả thực, khi tìm về “quê hương tinh thần”, cân bằng giữa Khoa học và Minh triết, để hiện đại và cổ xưa giao duyên, hiểu ra nguyên lý Đất trời là một thì mọi thứ trên thế giới sẽ hài hoà, rộng mở và diệu kỳ hơn. Đây cũng là thông điệp mà cuốn sách muốn truyền tải.
Để lại gần hơn những giá trị tâm linh ở Ấn Độ – nơi có rất nhiều tôn giáo, nơi tôn giáo gắn liền với đời sống và làm chủ mọi sinh hoạt của người dân, cả phái đoàn cần gạt bỏ định kiến và tiếp thu những điều mới mẻ bằng một tâm trí rộng mở, “một cốc nước rỗng”.
Hành trình về phương Đông mang đến những hiểu biết sâu sắc về yoga, thiền định, thuật chiêm tinh, các phép dưỡng sinh và chữa bệnh
Nếu bạn đang tìm hiểu về yoga, thiền định, chiêm tinh hay các phương pháp dưỡng sinh, chữa bệnh, chữa lành thì Hành trình về phương Đông sẽ giải thích cho bạn những điều cốt lõi nhất. Chẳng hạn như Yoga không đơn thuần chỉ là một bộ môn thể dục giúp cải thiện sức khoẻ mà là một khoa học bao gồm nhiều thứ từ thiên văn, địa lý, đến triết học, toán học… Bản chất của chiêm tinh giúp bản thân hiểu mình là ai, mình có khả năng tiềm ẩn nào, giúp mình định hướng cuộc sống tốt hơn.
Dù yoga, thiền, chiêm tinh hay các phép chữa bệnh dưỡng sinh, để trở nên khoẻ mạnh, hạnh phúc cả về thể chất và tinh thần, chúng ta đều phải quay về bên trong bản thân mình; hướng tới những giá trị nhân văn; để tâm được an thì mọi thứ xung quanh mới yên tĩnh. Hay nói như tác giả viết khi phái đoàn đến Ngôi đền yên lặng: “Hạnh phúc ở trong tâm mình”.
Hành trình về phương Đông hé lộ bức tranh về cuộc sống sau khi chết
Đây là phần cuối, cũng là phần hay nhất của cuốn sách. Nó giúp ta hiểu rằng, chết chỉ là một sự chuyển tiếp từ cõi giới này sang cõi giới khác của vũ trụ. Vũ trụ có rất nhiều cõi giới mà chúng ta không biết được hết. Cơ thể chúng ta được cấu tạo với 3 phần: Thể xác, linh hồn và tinh thần. Vậy khi thể xác chết đi, linh hồn sẽ đi đâu?
Câu hỏi đó sẽ đưa ta tìm hiểu sâu hơn mà theo Hành trình về phương Đông, khi chết, linh hồn sẽ quay trở lại ngôi nhà của chính mình, xem lại toàn bộ thước phim cuộc đời, nhận ra những bài học trong kiếp sống này và tái khởi động một kiếp sống mới. Trong giai đoạn chuyển giao, linh hồn sẽ ở cõi trung giới. Cõi này gồm 7 cảnh giới, trong đó cảnh giới thứ 6 và thứ 7 vô cùng nặng nề, là nơi của những vong linh còn nhiều oán hận; cảnh giới càng cao thì dục vọng càng thấp, năng lượng càng thanh thoát. Giải thích theo nguyên lý về sự rung động nguyên tử, tuỳ theo những dục vọng của thể vía mà khi chết, linh hồn sẽ đi vào cõi giới nào. Có người lưu lại lâu vì ham muốn, sân si còn nhiều; có người chỉ ghé qua rồi bước sang một kiếp sống khác nhẹ nhàng.
Tất cả những ghi nhận trên có được nhờ sự khai mở giác quan thể vía của vị pháp sư chuyên nghiên cứu về cõi vô hình. Còn với người đọc như mình, hiểu về cái chết như vậy, chúng ta sẽ không coi cái chết là một sự đe doạ mà soi vào đó để điều chỉnh hành vi, thái độ của chính mình ở kiếp sống này.
Như mình nói ban đầu, Hành trình về phương Đông là sách có hơi hướng tâm linh nên nhiều chi tiết mình vẫn thấy hơi vô lý và khó hiểu. Tuy nhiên, điều cốt lõi của cuốn sách mình học được là sự cân bằng giữa lý trí và tâm linh, về bản chất “Vạn vật đồng nhất” mà tác giả nhắc đi nhắc lại.